Không chỉ là cựu Võ sĩ Vovinam tuyển trẻ Quân đội, Trương Vũ Yến Nhi còn có một niềm đam mê vượt trội trong Toán học. Vừa qua, cô bạn 9x đã nhận được học bổng tiến sĩ 5 năm tại nhiều trường đại học hàng đầu nước Mỹ như Princeton, Harvard, Stanford…
Thành công trong tuyển sinh bậc tiến sĩ
Tốt nghiệp loại xuất sắc bậc cử nhân hệ toán học tại Amherst College, Trương Vũ Yến Nhi đã nhận được 8 học bổng tiến sĩ từ các trường đại học trong top 30 tại Mỹ gồm Princeton, Harvard, Stanford, Brown, University of Michigan, Rutgers, University of Illinois at Urbana-Champaigne, Ohio State University. Tuy được học bổng với trị giá cao lên tới $100,000/năm, Nhi khiêm tốn giải thích: “Hầu như tất cả mọi người khi trúng tuyển bậc tiến sĩ tại Mỹ đều được học bổng toàn phần bao gồm học phí, bảo hiểm y tế, và một khoảng tiền gọi là “trợ cấp” (stipend) cho chi phí ăn ở, tiêu xài mỗi năm.”
Tháng 9 sắp tới, cô bạn cho biết mình đã chọn vào Đại học Stanford vì cảm thấy môi trường ở đây phù hợp nhất với bản thân.
Trương Vũ Yến Nhi nhận bằng tốt nghiệp tại Amherst College
Con đường đến với toán học
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động, nhưng Nhi đã ấp ủ giấc mơ học thuật khi còn nhỏ. Mẹ cô kể lại, lúc còn học tiểu học, mỗi lần Nhi làm gì sai, thì chỉ cần doạ “cho nghỉ học” là Nhi sẽ sợ xanh mặt và không bao giờ dám tái phạm. Khi còn học bậc Trung học Cơ sở, Nhi cũng từng đoạt được nhiều giải thưởng cấp Thành phố. Năm lớp 9, cô đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi môn Hoá tại TP.HCM, sau đó đỗ Thủ khoa chuyên hoá Lê Hồng Phong và trúng tuyển vào 3 lớp chuyên Toán, Hoá và Tin tại Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM). Hai tháng sau khi vào học lớp 10, Nhi đoạt học bổng toàn phần 3 năm trung học tại trường Saint Joseph’s Institution International và khăn gói lên đường tự lập ở nước bạn. Ở xứ người, Nhi lại tiếp tục xuất sắc đoạt các giải thưởng cấp quốc gia và cấp trường trong hai môn Toán, Hoá. Kết thúc năm 2009, Nhi tốt nghiệp trung học phổ thông và đoạt danh hiệu học sinh xuất sắc nhất (Josephian of the Year) tại trường này. Với những thành tích tốt ở bậc trung học tại Việt Nam và Singapore, Nhi lại lần nữa đoạt hỗ trợ tài chính toàn phần bậc đại học tại Amherst College, Mỹ. Đây chính là bước ngoặt quan trọng khiến Nhi quyết định chọn theo đuổi, đi chuyên sâu vào toán học.
Từ năm đầu đại học, Nhi đã tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu toán học với các giáo sư Tanya Leise, Amanda Folsom, Gregory Call và Steven J. Miller. Lúc khởi đầu, vì sự yêu thích Toán và cả Hoá, Nhi tham gia nhóm nghiên cứu Toán ứng dụng. Nhưng rất nhanh sau đó, Nhi học thêm các lớp toán lý thuyết và nhanh chóng bị thu hút bởi tính chính xác, trừu tượng của môn này. Mùa hè năm 2 đại học, Nhi khẳng định được đam mê của mình sau khi tham gia nghiên cứu về các dạng modular lượng tử (quantum modular forms), một đề tài khá mới trong môn Lý thuyết số Phân tích. Nhi khẳng định, toán học không khô khan mà chứa đầy những bí ẩn, những liên kết tuyệt vời để ta khám phá. Hơn thế nữa, con đường đến với việc thiết lập, chứng minh, khai sáng những bí ẩn đấy chứa đầy những thử thách thú vị, khiến ta phải liên tục kiên trì, sáng tạo.
Và sự kiên trì, sáng tạo của Nhi cũng đã đem đến những thành công trong việc nghiên cứu: mới kết thúc bậc cử nhân, cô đã có một công trình được đăng trên tạp chí khoa học Journal of Number Theory, 2 nghiên cứu đang được các tạp chí xem xét, và 2 nghiên cứu đang thực hiện. Giáo sư Baisa ở Amherst nhận xét: “Khi tìm hiểu một vấn đề, hầu như các học sinh khác đều dừng lại khi học gặp phải một “bức tường”. Ngược lại, Nhi thường tìm kiếm những bức tường đấy, vì cô ấy thực sự thích xây dựng các loại “thang” mới mà trước đây người ta không nghĩ ra.” Kết thúc bậc đại học, Nhi nhận được nhiều giải thưởng danh giá như: Bằng danh dự Giải thưởng Alice T. Schafer của Hiệp hội Phụ nữ trong Toán học (toàn nước Mỹ), giải Woods-Travis Prize cho học sinh tốt nghiệp xuất sắc nhất Amherst College, giải Robert H. Breusch Prize cho học sinh có luận văn tốt nghiệp tốt nhất khoa toán…
Khiêm tốn và không ngừng nỗ lực
Nhưng không vì những thành công này mà Yến Nhi tự cao. Bài viết đăng trên báo trường Amherst về Nhi khẳng định: “Có lẽ rằng, sự khiêm tốn là điều duy nhất ở Nhi mà ấn tượng hơn cả khả năng toán học của cô. Mỗi khi được khen ngợi, Nhi nhanh chóng chuyển sự tập trung sang người khác. Khi nói về công trình nghiên cứu mùa hè của mình, Nhi nhấn mạnh khả năng xuất sắc và sự đóng góp quan trọng của giáo viên hướng dẫn cũng như cộng sự. Cô không chỉ đơn thuần thừa nhận những thành tích của người khác, mà còn háo hức chia sẻ và mong muốn học hỏi thêm từ họ.” Nói chuyện với Nhi, chúng tôi lại một lần nữa được chứng kiến điều này. Nhi nhanh chóng kể với chúng tôi về những sinh viên Việt đi trước với thành tích học toán xuất sắc tại Mỹ như: Đỗ Thị Thu Thảo hiện đang học ở MIT, từng đoạt huy chương bạc Olympic toán quốc tế, có nhiều công trình nghiên cứu từ bậc cử nhân, Đỗ Kim Tuấn hiện đang học ở Princeton, từng đoạt huy chương đồng Olympic toán quốc tế,…
Hơn thế nữa, Nhi khẳng định rằng “Những thành tích bước đầu trong học tập của tôi có phần công sức không nhỏ của những người thân trong gia đình, những người luôn yêu thương chăm sóc cho tôi.” Nhi vẫn luôn xúc động khi nhớ lại những ngày trời Sài Gòn mưa, lụt lội, xe bị chết máy, sợ cô bị ướt lạnh khi vào lớp học, mẹ bắt buộc cô phải mặc áo mưa ngồi yên trên xe để bà lội nước đẩy xe hơn 30 phút để đưa cô đến trường. Cô còn nhớ về những lúc giá gửi xe, giá xăng tăng, ba cô không chạy xe máy nữa mà đêm đêm lóc cóc đạp xe đi làm để dành dụm thêm vài nghìn đồng đóng tiền học cho cô. Yến Nhi luôn tự nhủ: “Ba mẹ mình vì mình mà lúc nào cũng cố gắng, vì vậy tôi cũng phải cố gắng hết sức mình, kể cả lúc thành công hay thất bại cũng cứ nghĩ phải cố thêm một chút nữa!”
Ngoài lề học thuật: Cựu Võ sĩ Vovinam với tấm lòng nhân ái
Được người cậu là Tiến sĩ Võ sư Võ Danh Hải (Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật thế giới, Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam thế giới) truyền cho niềm đam mê võ thuật, năm 12 tuổi, Nhi đã đạt trình độ huyền đai và là vận động viên của đội trẻ Vovinam Quận đội. Tại SEA Games 26, khi môn Vovinam lần đầu có tên trong chương trình thi đấu chính thức, Nhi đã gác lại mọi công việc để bay sang Indonesia làm phiên dịch chuyên môn cho BTC môn Vovinam. Trước đó, khi còn là học sinh trung học, Nhi đã từng làm tình nguyện viên, phiên dịch tại lớp tập huấn trọng tài giải Vô địch Vovinam thế giới được tổ chức tại Việt Nam năm 2011.
Ngoài ra, Nhi còn thường xuyên tham gia các hoạt động nhân ái. Khi còn là học sinh trung học, Nhi dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động như dạy tiếng anh cho người nhập cư, tham gia chăm sóc sức khoẻ người già, người bị thiểu năng trí tuệ… Từ Singapore và sau đó là khi đến Mỹ, Nhi vẫn thường tham gia chương trình cạo đầu gay quỹ giúp đỡ trẻ em bị ung thư.
Nhi tình nguyện cạo đầu trong chương trình “Hair for Hope” (Tóc cho hy vọng) để gây quỹ cho các trẻ em ung thư
Anh Thư