Chờ sự đổi mới tại SEA Games 31 | Laodong.vn - Báo Lao Động

SEA Games 31 hướng đến chất lượng các môn thi Olympic và ASIAD thay vì mục đích so thành tích huy chương giữa các nước trong khu vực.

Thông thường tại mỗi kỳ SEA Games, vấn đề được tranh luận nhiều nhất chính là môn và nội dung thi đấu. Bởi, Điều lệ của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á quy định chương trình thi đấu SEA Games: Nhóm thứ nhất có 2 nội dung bắt buộc, bao gồm điền kinh và các môn thể thao dưới nước (bơi, nhảy cầu, bơi nghệ thuật); nhóm thứ hai là tổ chức tối thiểu 14 môn trong số các môn của Olympic (Thể dục dụng cụ, đua thuyền, bắn súng,...); nhóm thứ ba là các bộ môn phát triển ở Đông Nam Á, tùy từng kỳ đại hội có thể từ 2 đến 8 môn (bi sắt, đá cầu, vovinam,...). 

Do đặc thù ở nhóm 3, nhiều quốc gia đăng cai thường đưa các môn thể thao ở địa phương vào để "vơ vét" huy chương, thậm chí cố tình bỏ bớt nội dung thi đấu sở trường của đối thủ. Điều này khiến SEA Games có những thời điểm mất giá, không đánh giá đúng năng lực giữa các quốc gia trong khu vực.

 
Các môn điền kinh, bơi lội sẽ được chú trọng. Ảnh: AFP 

Tuy nhiên, tuyên bố chung của Bộ trưởng thể thao ASEAN hôm 28.10 với chủ trương ưu tiên nhiều hơn các môn ASIAD và Olympic đã mang đến hy vọng nâng tầm SEA Games. Đó cũng là tiền đề để các quốc gia trong khu vực đầu tư đúng hướng vào thể thao đỉnh cao nhằm bám đuổi thành tích của thể thao thế giới.

"Đối với thể thao Đông Nam Á, sự thay đổi này là cuộc đấu tranh để hướng đến các môn thể thao Olympic. Cuộc đấu tranh để giúp SEA Games trở thành một đấu trường để trải nghiệm và phát triển thể thao khu vực. 

Chỉ riêng việc đặt nặng thứ hạng của các đoàn thể thao trong thi đấu SEA Games 2 năm/lần, với việc hướng lên phát triển thể thao chính thống Olympic đã là một cuộc đấu tranh. Và ở Việt Nam, đội ngũ quản lý cũng đã phải đấu tranh, suy xét điều này 15-20 năm. Và cho đến bây giờ, những người đại diện thể thao Việt Nam 10-15 năm trước đây đã đề nghị sửa đổi điều lệ của thi đấu của Đông Nam Á về 3 nhóm bộ môn vẫn chưa thành công.

Thực tế, điều lệ ấy không hợp lý, không tạo điều kiện cho sự phát triển mà chỉ tạo điều kiện cho các nước xếp hạng và phân chia bình thường", ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục Thể dục Thể thao) - chia sẻ với Lao Động.

Ảnh: LĐ
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh đánh giá cao hướng tổ chức SEA Games 31. Ảnh: LĐ

SEA Games 31 hứa hẹn là nơi đánh giá công bằng, thực chất năng lực của thể thao khu vực. Bởi, Việt Nam sẽ tổ chức 40 môn với đầy đủ các nội dung thi đấu, đặc biệt không bỏ các nội dung liên quan đến các môn thể thao Olympic. Đây cũng là lần đầu tiên ở Đông Nam Á tổ chức theo hình thức này.

Với tư cách một người làm thể thao lâu năm, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh rất vui và hoan nghênh khi Việt Nam tổ chức SEA Games 31 với thái độ tích cực, đúng hướng. Tuy nhiên, ông Minh cũng lo ngại vì Điều lệ của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á về chương trình thi đấu tồn tại lâu nay vẫn chưa thay đổi, nên sẽ còn rất nhiều vấn đề ở các cuộc họp kĩ thuật sau này. Ngoài ra, vấn đề tâm lý tư tưởng chung cũng cần được quán triệt rõ ràng, hướng đến chất lượng các môn thi Olympic và ASIAD thay vì thứ hạng.

"Từ quan chức cấp cao, cán bộ ngành, huấn luyện viên đến vận động viên phải chuẩn bị tư tưởng để đón nhận sự chuyển đổi này. Trong trường hợp không lọt vào Top 3 huy chương cao nhất thì phải có tâm lý khắc phục, kiên quyết chuyển hướng sang kết quả thi đấu mới: Nâng cao chất lượng của các môn thể thao trong chương trình Olympic và ASIAD. Và không nên lệ thuộc hay “đau buồn” nếu không còn ở vị trí thứ nhất, hay thứ nhì", ông Minh nói thêm.



Nguồn tin: https://laodong.vn/the-thao/cho-su-doi-moi-tai-sea-games-31-969433.ldo