Tín hiệu lạc quan của Vovinam Việt Nam

Cuối tuần qua, Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) đã tổ chức Hội nghị Ban chấp hành, đồng thời công bố nhà tài trợ của VVF trong năm, hướng đến những thành công mới.

Vovinam Việt Nam phát triển sâu rộng trên cả nước. Ảnh: VVF

Thông tin từ Ban chấp hành VVF cho thấy, Vovinam (Việt võ đạo) đã có những bước phát triển vượt bậc thời gian gần đây, cả về chất và lượng. 6 tháng đầu năm 2006, VVF tổ chức giải vô địch các đội mạnh toàn quốc tranh Cúp Vinatex, thu hút 380 VĐV từ 29 đơn vị tham dự. Đến giải trẻ ở Tây Ninh sau đó có đến 489 VĐV từ 30 đơn vị góp mặt.

Vovinam là một trong không nhiều môn được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào chương trình thi đấu tại nhiều đại hội lớn. Từ 19 đến 24/7 vừa qua, VVF đã hỗ trợ Bộ tổ chức thành công giải Vovinam trong khuôn khổ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ 9 tại Thanh Hóa. Giải đấu đã thật sự gây tiếng vang trong phong trào thể thao học đường, khi có 600 võ sĩ tranh tài đến từ 36 tỉnh. Đây là môn thể thao có số lượng VĐV đông thứ 3 của Đại hội, chỉ sau điền kinh và bơi lội.

Riêng tại TP HCM, Vovinam học đường và quận huyện đang là điểm nhấn quan trọng trong công tác phát triển của môn võ này. Từ những thành công, Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) đã quyết định tiếp tục gắn bó với VVF, với số tiền tài trợ 1,2 tỷ đồng trong năm 2016. Đây là tiền đề tổ chức này phấn đấu hoàn thành những chỉ tiêu đã đặt ra trong năm.

Tin hieu lac quan cua Vovinam Viet Nam hinh anh 1

Liên đoàn Vovinam Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong những năm qua.

Ở cấp độ quốc tế từ đây đến cuối năm, VVF phấn đấu đạt thành tích cao ở 2 sự kiện lớn gồm Đại hội thể thao bãi biển châu Á (Asian Beach Games 2016) tại Đà Nẵng và Giải vô địch Đông Nam Á tại Campuchia. Ngoài việc đặt mục tiêu giành nhiều huy chương, Vovinam Việt Nam còn hỗ trợ, tập huấn cho các VĐV đến từ Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Myanmar, Indonesia, Iraq… để họ tranh tài ở Asian Beach Games.

Đặc biệt, trọng tâm của tổ chức trong năm 2016 là vận động đưa Vovinam vào tranh tài tại SEA Games 30 năm 2019. Trước đây, môn võ của Việt Nam đã thi đấu tại SEA Games 2011 (Myanmar) và 2013 (Indonesia). Ở hai giải này, đoàn Việt Nam dẫn đầu tuy nhiên khoảng cách với các quốc gia xếp sau không lớn, khi chỉ giành 11 HCV trong tổng số 32 bộ huy chương.

Nhờ những chiến lược rõ ràng, Vovinam Việt Nam đã xây dựng được phong trào ở hơn 60 quốc gia trên thế giới. Cách đây 2 năm, đài truyền hình CNN của Mỹ đã làm phim về võ sư Nguyễn Văn Chiếu, chánh trưởng quản môn phái trong loạt chương trình “Human to Hero” (từ người thường thành người hùng). Bộ phim này đã được phát sóng rộng rãi trên hàng trăm triệu gia đình trên khắp năm châu, giúp môn này được biết đến rộng rãi. Một số đài truyền hình khác của Pháp, Áo cũng lặn lội qua Việt Nam để tìm hiểu về tinh hoa của võ thuật dân tộc.

Tại hội nghị, các thành viên cốt cán của VVF cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt chưa làm được như kinh phí còn hạn hẹp, chưa đa dạng các nguồn thu cho Liên đoàn; đội ngũ trọng tài còn thiếu và yếu không đi kịp với tốc độ phát triển của bộ môn; thiếu nhiều HLV có chất lượng ở cơ sở; chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ những môn võ khác… Đây sẽ là những thách thức cho VVF nhiệm kỳ mới từ năm 2016 đến 2020.

Vovinam – Việt võ đạo được võ sư Nguyễn Lộc sáng lập vào năm 1936, phát triển dựa trên môn vật cổ truyền Việt Nam, kết hợp với những tinh hoa của các môn phái võ thuật trên khắp thế giới. Dựa trên nguyên lý cương nhu phối triển, môn sinh Vovinam được tập luyện những đòn thế tay không, cùi chỏ, chân, gối cho đến các loại vũ khí như kiếm, đao, mã tấu, dao, côn, quạt…

Ngoài ra, môn sinh còn được học cách đối phó với vũ khí bằng tay không, các lối phản đòn, khóa gỡ và các đòn vật. Trong các môn võ của Việt Nam, Vovinam được phát triển quy mô và rộng lớn nhất với nhiều môn sinh có mặt ở hơn 60 nước trên thế giới.

Nguyễn Đăng (Zing.vn)