Chàng sinh viên nghèo vượt khó từ mối lương duyên với Vovinam

“Mong muốn của em chỉ là có thể theo học hết 4 năm Đại học, sau trở thành thầy giáo dạy thể dục và tiếp tục theo đuổi môn Vovinam”. Đó là tâm sự của em Đào Văn Anh, thí sinh đạt số điểm cao nhất khoa Giáo dục thể chất Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) khóa thi năm 2014, đồng thời cũng là một tài năng Vovinam trẻ của tỉnh.

Phải mất gần 1 tiếng đi bộ trên con đường đất đỏ trơn trượt men theo chân núi từ trung tâm xóm Đầu Cầu, xã Đức Lương (Đại Từ) chúng tôi mới đến được nhà Đào Văn Anh. Đón chúng tôi tại cổng nhà, Đào Văn Anh vui vẻ:

Anh chị cứ gọi em là Đào Anh hoặc Ê-tô cũng được ạ!

Thấy chúng tôi tỏ ra ngạc nhiên với biệt danh này, Đào Anh ngượng nghịu gãi đầu:

Vì màu da của em khá đen nên các bạn gọi theo tên của Sam-mu-en Ê-tô một cầu thủ bóng đá nổi tiếng người Ca-mê-run ạ.

Điều nhóm phóng viên cảm nhận rõ nhất ở Đào Anh là sự giản dị, chân chất…

Bước vào nhà, chúng tôi quan sát thấy ngoài 2 chiếc quạt cây và chiếc ti vi nhỏ cũ kỹ thì gần như không có tài sản giá trị nào khác. Trò chuyện với chúng tôi, anh Đào Văn Dậu, bố cậu Đào Văn Anh xúc động: Biết được tin con trai đỗ thủ khoa Đại học chúng tôi rất vui mừng nhưng cũng lo lắng vì hoàn cảnh gia đình khó lòng nuôi nổi con học 4 năm đại học.

Căn nhà nơi 4 thành viên trong gia đình đang sinh sống

Căn nhà nơi 4 thành viên trong gia đình đang sinh sống

Gia đình Đào Anh có 4 người, kinh tế hoàn toàn dựa vào mấy đám ruộng thụt trồng lúa và khoảng 3 sào chè trung du đã cằn cỗi. Nhà ở xa chợ, lại không tiện giao thông nên bố mẹ em chỉ có thể lên rừng kiếm vài vác củi hay bẻ măng kiếm thêm thu nhập. Kinh tế khó khăn nên năm 2013, sau khi thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, Đào Anh chỉ theo học 3 tháng rồi đành bỏ. Cô em gái mới học hết lớp 12 cũng phải tạm gác ước mơ Đại học, rồi đi làm công nhân tại Nhà máy Samsung (Phổ Yên). Đào Anh cho biết: Sau khi nghỉ học cao đẳng, em đã đi làm phụ hồ. Tuy nhiên, em vẫn nuôi ước mơ được học Đại học để sau này có thể tìm được một công việc ổn định, giúp đỡ gia đình. Vì vậy, sau khi kết thúc công việc hàng ngày, buổi tối, em thường dành thời gian rèn luyện các kỹ năng trong môn thi năng khiếu khối T là: chạy, bật xa và gập thân trên thang dóng để chuẩn bị thi vào khoa Giáo dục thể chất, trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.

 Miệt mài tập luyện trong suốt thời gian dài, cố gắng của Đào Anh đã được đền đáp bằng điểm 10 môn thi năng khiếu trong kỳ thi Đại học năm 2014. Cộng với điểm xét tuyển 2 môn Toán và Sinh học em đã đạt tổng điểm là 31,42 (chưa cộng điểm ưu tiên và nhân đôi hệ số điểm môn năng khiếu). Được biết, từ nhỏ, Đào Anh đã đam mê thể thao. Nhà không có điều kiện mua xe đạp nên em thường đi nhờ xe của các bạn trong xóm đến trường. Sau khi được chọn tham gia đội tuyển điền kinh của trường, Đào Anh thường gửi cặp sách cho các bạn rồi tự mình chạy bộ. Khi học cấp 3, hầu như ngày nào em cũng chạy bộ trên quãng đường hơn 10km từ nhà đến trường và ngược lại. Đào Anh chia sẻ: Từ nhỏ em đã yêu thích các hoạt động thể dục thể thao. Trong đó, yêu thích lớn nhất của em là Vovinam.

Niềm vui của gia đình khi hay tin em đỗ Đại học

Niềm vui của gia đình khi hay tin em đỗ Đại học

Đào Anh đến với Vovinam một cách tình cờ. Vào năm 2010, khi đang học THPT, thầy giáo thể dục lúc đó của em là thầy Đỗ Đức Thịnh, cũng là thành viên Câu lạc bộ Vovinam Thái Nguyên đã giới thiệu môn võ này đến các học sinh. Những đường quyền uyển chuyển nhưng không kém phần mạnh mẽ trong môn võ cổ truyền của dân tộc đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của Đào Anh. Tuy nhiên, hiểu được hoàn cảnh gia đình, em không dám xin bố mẹ học phí học võ mà chỉ lén nhìn các bạn tập từ xa rồi học lỏm. Sau này, Đào Anh đã tự gom góp tiền thưởng của các giải thi đấu điền kinh để mua võ phục và đóng học phí. Nhiều năm cố gắng tập luyện, Đào Anh đã tham gia và giành được nhiều giải thưởng ở các giải thi đấu cấp tỉnh. Đặc biệt, năm 2013, em đã giành được Huy chương Đồng tại Giải cúp các Câu lạc bộ Vovinam toàn quốc lần thứ IV và được phong là Vận động viên cấp I.

Cùng với tập luyện và thi đấu, Đào Anh còn mở một lớp dạy Vovinam gồm khoảng 40 học sinh tại địa phương để truyền thụ rộng rãi môn võ cổ truyền của dân tộc này. Đào Anh cho biết: Càng hiểu sâu hơn về Vovinam em lại thêm yêu thích môn võ dân tộc này. Học Vovinam không chỉ học chiêu thức mà chúng em còn được hiểu về triết lý làm người, tinh thần quật cường của dân tộc cũng như sự tương thân tương ái giữa con người với nhau.

Con đường dẫn vào lớp võ của Đào Anh

Con đường dẫn vào lớp võ của Đào Anh

Nói về thầy giáo của mình, em Dương Thị Thu Hương, một trong những môn sinh trong lớp học Vovinam của Đào Anh cho hay: Thường ngày, thầy Đào Anh là một người hòa nhà nhưng trong giờ học thầy rất nghiêm khắc. Đối với môn Vovinam, thầy không chỉ dạy cho chúng em các chiêu thức mà còn dạy chúng em lễ phép, tôn trọng mọi người, nỗ lực để đạt được thành công.

Nói về kế hoạch sắp tới của mình, Đào Anh chia sẻ: Một trong những lý do em chọn thi vào trường Đại học Sư phạm là vì ở đây miễn học phí cho sinh viên, sẽ giảm được gánh nặng cho gia đình. Sau khi nhập học, em đã lên kế hoạch phấn đấu học tập thật tốt và sắp xếp thời gian đi làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt. Bên cạnh đó, em quyết tâm sẽ tiếp tục rèn luyện và thi đấu môn Vovinam. Mong muốn hiện tại của em chỉ là có thể theo học hết 4 năm Đại học, sau đó ra trường trở thành thầy giáo dạy thể dục và tiếp tục truyền thụ Vovinam cho các thế hệ học sinh yêu thích môn võ dân tộc này.

Phóng sự “Chàng sinh viên nghèo vượt khó từ mối lương duyên với Vovinam”


Theo Khánh Huyền (Báo Thái Nguyên)