Ðội tuyển võ cổ truyền Bình Ðịnh: Tất bật chuẩn bị cho Tết Ðinh Dậu

Ðã thành truyền thống, các hoạt động văn nghệ – thể thao trong dịp Tết Nguyên đán không thể thiếu võ cổ truyền. Tết Ðinh Dậu năm 2017, các HLV, VÐV đội tuyển võ cổ truyền Bình Ðịnh sẽ tham gia vào nhiều hoạt động võ thuật tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Trong chương trình Dạ hội Mừng Đảng, Mừng Xuân Đinh Dậu – 2017, Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định sẽ biểu diễn tập thể bài Hùng kê quyền. Những ngày qua, 60 võ sinh cùng 80 thiếu nhi đã cùng nhau tập luyện, ráp nối theo ý tưởng của “đạo diễn” Trần Duy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định.

“Tiết mục này nằm trong một chương trình nghệ thuật; do đó, các b không chỉ biểu diễn như một bài võ thông thường mà cần một số đoạn “cắt ghép”, di chuyển và biểu diễn theo nhóm riêng… Bài Hùng kê quyền đã được hầu hết võ sinh tập luyện và biểu diễn thuần thục; điều quan trọng là cách di chuyển, phối hợp sao cho nhịp nhàng, khớp với nhạc nền nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn tinh thần của bài võ” – võ sư Trần Duy Linh cho biết.

Nhiều VĐV đội tuyển võ cổ truyền Bình Định sẽ tham gia thi đấu võ đài ở các địa phương trong dịp Xuân Đinh Dậu – 2017.

Một chương trình khác cũng có sự tham gia của các VĐV đội tuyển võ cổ truyền Bình Định là Lễ kỷ niệm 228 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa tại Tây Sơn. Theo kế hoạch, các VĐV sẽ biểu diễn vào chiều mùng 4 Tết, trong lễ dâng hương, dâng hoa lên Hoàng đế Quang Trung và các văn thần, võ tướng. Những bài biểu diễn tại đây đều là các tiết mục đặc sắc, từng giành nhiều huy chương ở các giải đấu cấp quốc gia và khu vực.

Lực lượng VĐV của đội tuyển võ cổ truyền Bình Định hầu hết đều đã quen với việc biểu diễn tại các lễ hội lớn, trước đông đảo khán giả nên không ngại vấn đề tâm lý, nhưng võ sư Trần Duy Linh vẫn yêu cầu các học trò tập trung cao độ. Bởi theo ông, đây là lễ hội lớn của tỉnh, mang tầm vóc quốc gia, rất nhiều du khách thập phương về dự, các VĐV cần biểu diễn với chất lượng tương đương khi thi đấu, nhằm tạo ấn tượng đẹp cho khán giả trong và ngoài tỉnh.

Trong khi đó, những ngày đầu Xuân cũng là thời điểm nhiều địa phương tổ chức võ đài. Đây là hoạt động thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, như một nét văn hóa đặc trưng của miền đất Võ.

Võ sư Phi Long Vinh (Tuy Phước) cho biết: “Tết năm nay, tôi sẽ phối hợp với các võ sư ở TX An Nhơn, tổ chức 2 đợt võ đài tại xã Nhơn Hạnh (từ mùng 7 đến mùng 9) và xã Nhơn Lộc (từ mùng 10 đến 12 tháng Giêng). Dự kiến sẽ mời các võ sĩ đến từ những võ đường của Đắk Lắk, Khánh Hòa, Gia Lai… và một số võ đường danh tiếng trong tỉnh tham gia”.

Trước đó, như thường lệ, huyện Tây Sơn sẽ tổ chức Hội thi đối kháng võ cổ truyền tại sân vận động huyện vào các tối từ mùng 4 đến mùng 6 Tết. Với mong muốn ngày càng nâng cao chất lượng của chương trình, Trung tâm VH-TT&TT Tây Sơn cùng Hội Võ thuật huyện đã mời nhiều võ sĩ của các võ đường nổi tiếng, một số VĐV của đội tuyển các tỉnh về tham dự. Ngay tiếp theo đó là đợt võ đài tại huyện Phù Mỹ (từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng), do võ sư Thành Sô cùng các học trò đảm nhiệm…

Võ sư Lê Công Bút, HLV nội dung đối kháng đội tuyển võ cổ truyền Bình Định, cho biết: “Với các võ đài trong dịp đầu xuân, chúng tôi sẽ bố trí HLV, VĐV về các địa phương hỗ trợ chuyên môn, tổ chức. Nếu có VĐV đội tuyển các tỉnh tham gia, chúng tôi sẽ lựa chọn VĐV phù hợp để thi đấu cọ xát. Riêng một số VĐV trẻ có thể sẽ được đưa về khoác áo võ đường của mình để thi đấu. Hiện lực lượng VĐV đối kháng của đội tuyển tỉnh vẫn tích cực tập luyện để có thể thi đấu tại các võ đài khi được yêu cầu. Đây cũng là dịp tốt để chúng tôi đánh giá phong trào võ thuật của các địa phương, phát hiện ra những tài năng trẻ để tuyển chọn vào đội tuyển tỉnh”.

Theo Báo Bình Định