Việt Võ Đạo tỏa sáng ở Paris

NDĐT – Có tới 232 võ sĩ đến từ 24 quốc gia trên thế giới đang tham gia Giải vô địch Vovinam thế giới lần thứ 3 diễn ra từ ngày 5 đến 7-7 tại Học viện Judo ở Paris (Pháp). Các tiết mục giao lưu, biểu diễn những kỹ thuật đặc trưng thể hiện tinh hoa, tinh thần thể thao cao thượng và truyền thống tốt đẹp của Việt Võ Đạo.

 
Đại sứ Dương Chí Dũng trao bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cho ông Francis Didier.
 

Được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 40 năm quốc tế hóa môn phái này, sự kiện này là một hoạt động có ý nghĩa được tổ chức để chào mừng các sự kiện quan trọng trong năm 2013 như năm giao lưu chéo Việt Nam – Pháp 2013 -2014 và 75 năm hình thành và phát triển của môn phái Việt Võ Đạo.

Lễ khai mạc vào tối ngày 5-7 được tổ chức long trọng với sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng; Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Danh Thái, nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT và Du lịch, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam trên thế giới (World vovinam Federation-WVVF); Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Phạm Văn Tuấn ; Võ sư Nguyễn Văn Chiếu, Trưởng môn phái Vovinam Việt Võ Đạo; và ông Francis Didier, Phó chủ tịch WVVF và Chủ tịch Liên đoàn võ thuật Pháp (FFKDA); Tiến sỹ Võ Danh Hải, Tổng thư ký WVVF; và Thiếu tướng Võ Văn Cổ, Phó tham mưu trưởng Quân khu 7, Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Đại sứ Dương Chí Dũng khẳng định, đây là sự kiện rất có ý nghĩa vì là giải vô địch Vovinam thế giới đầu tiên được tổ chức ở ngoài Việt Nam. Việt Võ Đạo đã giúp các môn đồ phát triển trí tuệ và thể lực đồng thời rèn luyện tâm hồn trong sáng, tinh thần quả cảm, tăng cường tình đoàn kết và hữu nghị quốc tế.

Bày tỏ vinh dự của Pháp được đăng cai tổ chức giải, ông Francis Didier cho biết các môn võ Việt Nam đã có ở Pháp từ nhiều thập kỷ qua, trong đó Vovinam có sức hút lớn nhất. Hiện nay ở Pháp có khoảng 800 câu lạc bộ và khoảng 15.000 võ sinh. Chính vì vậy, Pháp có thể tự hào là điểm đến đối với các môn võ Việt Nam và là nước đầu tiên ở châu Âu có các môn võ Việt Nam du nhập.

Là khách mời danh dự của giải, ông Nguyễn Danh Thái cho rằng sự kiện này, được tổ chức hai năm một lần, có ý nghĩa nhân văn khi tất cả các thành viên của đại gia đình Vovinam trên khắp thế giới cùng nhau xum họp, giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn và cùng đoàn kết phấn đấu để xây dựng một phong trào Vovinam thế giới vững mạnh, thể hiện một tinh thần quốc tế vì hòa bình và phát triển.

Việt Nam tham dự giải lần này với một lực lượng mạnh gồm 29 vận động viên. Trong những lần so tài trước, Việt Nam thường chiếm ưu thế tuyệt đối ở các nội dung thi đấu và biểu diễn.

Trong ngày thi đấu đầu tiên, các võ sĩ Việt Nam đã thể hiện được bản lĩnh và kinh nghiệm thi đấu của mình, giành 2 huy chương vàng. Võ sĩ Trần Thế Thường được số điểm khá cao (281 điểm) sau phần biểu diễn có kỹ thuật chuẩn và đẹp mắt, giành tấm HCV đầu tiên tại giải và cũng là tấm HCV đầu tiên cho đoàn Việt Nam ở nội dung Ngũ môn quyền.

Ở nội dung thi đấu đối kháng của nữ ở hạng –51kg, Trần Khánh Trang đem về tấm HCV thứ 2 cho Việt Nam sau khi vượt qua các đối thủ mạnh đến từ Pháp và Iran. Dù chịu sức ép từ khán giả của nước chủ nhà, Khánh Trang liên tục tung ra những pha tấn công sắc bén và hiệu quả, xứng đáng giành thắng lợi tuyệt đối với tỷ số 4-0 và 7-0 để nhận tấm HCV.

Nhân dịp này, Đại sứ Dương Chí Dũng trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam tặng ông Francis Didier, Chủ tịch Liên đoàn võ thuật Pháp, vì đã có những đóng góp xuất sắc cho công tác ngoại giao văn hóa thông qua quảng bá môn võ Vovinam ở nước ngoài.

Trong khuôn khổ của giải vô địch Vovinam, những hình ảnh và bài viết về tình hình phát triển phong trào Vovinam ở các quốc gia được trưng bày cùng với các tiết mục giao lưu, biểu diễn những kỹ thuật đặc trưng thể hiện tinh hoa của môn Võ Việt Đạo. Đây cũng là cơ hội để các quốc gia có phòng trào Vovinam giới thiệu những bản sắc văn hóa dân tộc đa dạng, độc đáo. Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp cũng tổ chức buổi giao lưu, trình diễn những vật lưu niệm, binh khí đặc trưng của phong trào Vovinam mà các quốc gia tham dự giải mang sang trưng bày tại Pháp.

Trước đó vào chiều ngày 4-7, Ban chấp hành Liên đoàn Vovinam thế giới có buổi họp để thông tin những hoạt động trong thời gian tới. Algeria nhận đăng cai giải VĐTG lần 4 vào năm 2015. Gia đình vovinam thế giới cũng đón nhận thêm một thành viên mới là Bangladesh. Đây cũng là lần đầu tiên đoàn Nhật Bản có võ sĩ góp mặt ở giải VĐTG. Nhân giải đấu năm nay, Liên đoàn Vovinam thế giới cũng gửi đến các đoàn video clip và lời bài hát “Hành khúc vovinam” (vovinam march) để phổ biến cho các môn sinh của mình với mục đích làm cho ca khúc này sớm trở nên quen thuộc với gia đình vovinam thế giới.

Vovinam được cố võ sư Nguyễn Lộc sáng lập vào năm 1938 trên cơ sở vật cổ truyền Việt Nam nhằm giúp cho thanh niên Việt Nam có một phương pháp rèn luyện sức khỏe và tự vệ mang danh dân tộc, đồng thời nung đúc để cống hiến cho đất nước những người con có đủ năng lực và ý chí tất thắng.

Vovinam hiện đã có mặt ở 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trở thành một môn phái ngày càng có nhiều người hâm mộ theo học và xem đó là triết lý sống mang tinh thần nhân văn và thượng võ.

Pháp được xem là quê hương thứ 2 của Vovinam sau khi được du nhập theo các du học sinh Việt Nam như Trần Nguyên Đạo, Nguyễn Thị Huệ, Trần Đại Chiêu, Dương Quan Việt, Hà Chí Thành… từ năm 1971. Từ Pháp, Vovinam đã lan tỏa khắp châu Âu, châu Phi. Phong trào luyện tập Vovinam ở các nước, đặc biệt là Pháp, ngày càng phát triển. Vovinam cũng góp phần giúp bạn bè thế giới hiểu thêm về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam.

 


Phần thi đấu xuất sắc của nữ võ sĩ Khánh Trang (trái) đem về tấm HCV thứ 2 cho đoàn Việt Nam.


Đẳng cấp của các võ sĩ Pháp ngày càng cao.


Pha biểu diễn của hai võ sĩ Bỉ.


Đòn chân kẹp ‟3 cổ″ đặc sắc của các võ sĩ Việt Nam giành điểm cao nhất.


Rất đông khán giả đến xem những pha biểu diễn đặc trưng, mãn nhãn của Vovinam.

http://www.nhandan.com.vn | KHẢI HOÀN và ĐÌNH TUẤN