Đời thay đổi, võ cũng đổi thay - Tuổi Trẻ

Vâng, không riêng gì taekwondo, nhiều môn sinh các môn võ khác như vovinam, võ cổ truyền, karatedo... đang ráo riết tập luyện để chuẩn bị tham gia đấu trường võ nhạc lần đầu tiên được tổ chức tại VN vào đầu năm 2018.

Đội tuyển Vovinam TP.HCM tập luyện chuẩn bị cho đấu trường võ nhạc.-Nguyên Khôi
Đội tuyển Vovinam TP.HCM tập luyện chuẩn bị cho đấu trường võ nhạc.-Nguyên Khôi

Vâng, không riêng gì taekwondo, nhiều môn sinh các môn võ khác như vovinam, võ cổ truyền, karatedo... đang ráo riết tập luyện để chuẩn bị tham gia đấu trường võ nhạc lần đầu tiên được tổ chức tại VN vào đầu năm 2018.

Từ thành công của taekwondo...

7 năm trước, giới hâm mộ taekwondo VN không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến các võ sĩ biểu diễn taekwondo trên nền nhạc dance tại lễ khai mạc Đại hội TDTT TP.HCM 2010.

Bài biểu diễn khi đó chủ yếu chỉ mới là đi các bài quyền kèm theo đôi chút vũ đạo trên nền nhạc, nhưng lập tức làm nhiều người cảm thấy thích thú vì mới lạ.

Tìm tòi trên mạng để tập theo các video clip của K-Tigers (Những con cọp Hàn Quốc) - đội đầu tiên khởi xướng võ nhạc taekwondo - chưa đủ, đội tuyển quyền taekwondo VN còn nghĩ ngay đến việc cần phải có một biên đạo nhảy đúng nghĩa để góp ý và giảng dạy cho đội tiến bộ nhanh hơn.

Thế là năm 2012, HLV trưởng Nguyễn Thanh Huy mở lời với Trần Giang Kim Thy - thành viên của đội đoạt hạng ba Giải vô địch nhảy hip hop TP.HCM mở rộng năm đó - về giúp mình.

Từng tập taekwondo gần 4 năm trước khi rẽ sang một hướng mới khác hoàn toàn, Kim Thy đã đồng ý với suy nghĩ “có thể tiếp tục với đam mê ngày trước của mình, đồng thời phát triển đam mê chính hiện tại là hip hop”.

Nhớ lại những ngày đầu đóng vai trò giáo viên dạy nhảy cho đội, Kim Thy bảo rằng cực kỳ khó khăn. Nhưng sự chăm chỉ của các bạn VĐV đã khiến cô cùng mọi người vượt qua để có được thành công như ngày hôm nay.

Cô gái 29 tuổi này kể: “Thời gian đầu quả là khó khăn. Võ nhạc bao gồm âm nhạc, vũ đạo và võ. Các VĐV taekwondo có kỹ thuật chuyên môn tốt thì không có gì phải bàn. Nhưng sự thẩm thấu âm nhạc và khả năng tập luyện vũ đạo của mỗi người thì lại hoàn toàn khác nhau để có thể cùng di chuyển đội hình trên nền nhạc.

Nên thời gian đầu tôi chủ yếu dạy các kỹ thuật nhảy cơ bản nhằm giúp các bạn nâng cao phần vũ đạo. Rồi trong quá trình biểu diễn (cover) lại các video clip của Hàn Quốc, tôi xem xét lại khả năng của từng VĐV để đưa ra bài nhạc phù hợp với toàn đội.

Tập được nửa năm, các VĐV đã có thể nhún nhảy với nhạc được rồi. Nhưng tôi thì luôn đòi hỏi cao trên thảm tập, và điều đáng mừng là các bạn đều rất chăm chỉ để biểu diễn ngày một tốt hơn”.

Có giáo viên dạy nhảy chuyên nghiệp Kim Thy kèm cặp cho đến tận bây giờ (tuần 2 buổi, buổi 1-2 tiếng), đội tuyển quyền taekwondo VN mỗi lần bước ra thảm biểu diễn ở lễ khai mạc các giải đấu taekwondo tại TP.HCM vừa qua lại càng “lột xác” và khiến người xem phải ồ lên vì thích thú.

Bởi những bài biểu diễn của đội ngày một hấp dẫn hơn cả về phần võ (chuyên môn) và tính giải trí (vũ đạo chuyên nghiệp trên nền nhạc đang hot ở thời điểm đó).

Nhưng đỉnh điểm cho sự phát triển chuyên nghiệp của đội chính là việc thành lập hai đội biểu diễn võ nhạc taekwondo VN mang tên V-Sky T kids (thiếu nhi) và V-Lions (đội lớn) vào năm 2015 nhằm đưa võ nhạc đến với nhiều đối tượng hơn.

Không chỉ biểu diễn ở các giải đấu tại TP.HCM, cả hai đội đều đã cho ra đời video clip biểu diễn khá ấn tượng khi phối hợp được các kỹ thuật khó của taekwondo với vũ đạo và âm nhạc để làm thành “chất riêng” cho mình.

...Đến sự thay đổi của các môn phái

Không thể phủ nhận taekwondo đã thành công trong việc thu hút ngày càng nhiều môn sinh nhờ món võ nhạc này, nhiều môn võ khác tại VN cũng bắt đầu vào cuộc, kết hợp các bài quyền đặc trưng của môn võ mình cùng với những bài nhạc nổi tiếng nhằm gầy dựng phong trào.

Mà trước mắt, đấu trường võ nhạc lần đầu tiên tổ chức tại VN sắp tới hứa hẹn sẽ tạo nên một sân chơi đầy trẻ trung, thú vị cho làng võ Việt.

Ở đấu trường võ nhạc, các nhóm dự thi sẽ phải biểu diễn trên nền nhạc có thời lượng từ 2 đến 5 phút, mỗi nhóm gồm 7 đến 9 người, ở độ tuổi từ 13 đến 35.

Theo tiết lộ của nhà tổ chức, sau khi cho đăng ký tham dự từ tháng 5, hiện đã có vài chục nhóm đăng ký. Đáng chú ý khi các nhóm đến từ nhiều môn phái khác nhau như karatedo, vovinam, võ cổ truyền, kick-boxing, capoeira (theo Wikipedia, capoeira là một môn võ xuất phát từ Brazil, nhưng có nguồn gốc châu Phi. Cái tên capoeira do người da đỏ ở Brazil đặt, có nghĩa là “trảng bụi mọc lại sau khi bị cắt”)...

Thật ra, chuyện biểu diễn trên nền nhạc với các môn võ không phải là chuyện mới. Chỉ có điều, mở nhạc để biểu diễn thông thường và biểu diễn cho phù hợp với nền nhạc (võ nhạc) là hoàn toàn khác nhau.

Như đội tuyển vovinam TP.HCM là một ví dụ khi đội phải “đánh vật” trong việc biểu diễn với nhạc trong những buổi tập mới đây nhằm chuẩn bị cho đấu trường võ nhạc.

Đội trưởng Huỳnh Khắc Nguyên kể: “Vovinam đã tham gia đồng diễn với nhạc ở các sự kiện thể thao lớn. Tuy nhiên, biểu diễn theo nền nhạc như môn võ taekwondo thì không phải sở trường của chúng tôi.

Dù vậy, chúng tôi sẽ cố gắng tập luyện để thể hiện tốt các kỹ thuật tinh hoa của vovinam trên nền nhạc. Bởi đây cũng là một cách hay để quảng bá võ Việt khi nó gần gũi với giới trẻ hơn”.

Biên đạo Kim Thy cũng bày tỏ sự kỳ vọng đấu trường võ nhạc ra đời sẽ làm thay đổi phong trào võ nhạc tại VN. Cô nói: “Nhiều người cho rằng võ nhạc chỉ có thể áp dụng ở taekwondo. Nhưng tôi nghĩ rằng các môn võ khác đều có thể làm được điều này.

Vấn đề là nó tùy thuộc vào trình độ cảm thụ âm nhạc của từng võ sĩ và cách chọn bài nhạc của nhóm. Chúng ta đừng cố chọn bài nhạc đang hot để biểu diễn mà hãy chọn bài phù hợp với sự cảm thụ âm nhạc và điểm mạnh của mỗi VĐV.

Có thể có người sẽ nói võ nhạc taekwondo VN hiện tại vẫn chưa hấp dẫn bằng khi xem các video clip trên mạng của các nhóm biểu diễn Hàn Quốc, nhưng họ quên rằng biểu diễn ở một lễ khai mạc giải đấu (VN) và biểu diễn ghi hình trên truyền hình (Hàn Quốc) là khác nhau.

Võ nhạc của taekwondo VN hoàn toàn có thể biểu diễn sôi động như các video clip của các nhóm biểu diễn Hàn Quốc như khi ghi hình trên truyền hình. Đó là lý do tôi rất chờ đợi đấu trường võ nhạc sắp tới. Nó hứa hẹn thú vị và khiến khán giả sẽ phải ồ lên như đã từng xem các clip của Hàn Quốc”.

Võ nhạc cũng là... võ

Nói tới võ thuật, người ta nghĩ ngay đến đấm đá, thi đấu đối kháng. Và dĩ nhiên, những chiến thắng trong thể loại đấu đối kháng vẫn được người ta thích thú, đánh giá cao.

Hay đến với võ, chuyện trang bị cho mình những kỹ năng bảo vệ bản thân đồng thời bảo vệ người cô thế, yếu đuối là mục tiêu chung của phần lớn người học võ.

Song, học võ vì sức khỏe, vì yêu thích võ thuật cũng là một lý do quan trọng. Với những người theo xu hướng này, việc dùng võ nhạc để thu hút họ là một chuyện hay, hiệu quả.

Cuộc sống luôn thay đổi, đổi mới thì võ cũng không thể ngồi yên khoanh tay được. Tư tưởng đó chính là động lực khiến người Hàn “phát minh” ra kiểu võ nhạc để phát triển taekwondo - môn quốc võ của họ.

Thật vậy, với giới trẻ mà chúng ta thấy ngày nay lúc nào tai cũng gắn headphone, đi đâu cũng xách theo cái loa di động để nhảy nhót, nhún nhảy, thì việc bảo họ vào võ đường để tập huỳnh huỵch trong không khí im lặng là điều khó thể.

Vậy tại sao không kết hợp cả hai để võ mới hơn, hấp dẫn hơn? Từ đó, võ nhạc ra đời, và taekwondo thật sự cuốn hút giới trẻ Hàn Quốc nói riêng và ở các nước khác nói chung.

Một võ sư gạo cội, ông Nguyễn Quốc Tâm (73 tuổi) - nguyên ủy viên ban chấp hành Liên đoàn Taekwondo VN - cũng bày tỏ sự đồng tình.

Ông nói: “Võ nhạc rất hay. Tùy kỹ thuật và tùy môn võ mà chúng ta có thể xây dựng bài biểu diễn võ nhạc phù hợp nhất.

Nếu chúng ta đưa được võ nhạc vào trong trường học thì tuyệt vời, không cần cầu kỳ mà chỉ cần vài kỹ thuật cơ bản của môn võ thôi, thì nó hay hơn nhiều so với bài thể dục nhàm chán như hiện nay. Nếu cho thi đồng diễn võ nhạc thì phong trào sẽ phát triển lớn lắm, cả về nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đồng thời là chủ tịch Liên đoàn Taekwondo TP.HCM - bày tỏ sự đồng tình phát triển võ nhạc.

Ông chia sẻ: “Theo tôi, dùng võ nhạc để phát triển võ là một hướng tốt, vì nó rèn được kỹ năng và gần gũi với sở thích của giới trẻ chứ không khô cứng như các lò luyện võ xưa nay. Chúng ta cần duy trì truyền thống nhưng cũng nên đa dạng hóa cho giới trẻ lựa chọn. Đặc biệt là ở giáo dục, cần khuyến khích các em tham gia và rèn luyện để có thể tự vệ và giải trí”.■

K-Tigers, đội trình diễn võ nhạc taekwondo hàng đầu ở Hàn Quốc -K-Tigers
K-Tigers, đội trình diễn võ nhạc taekwondo hàng đầu ở Hàn Quốc -K-Tigers

Sức hút của K-Tigers

Vào Google, bạn gõ từ “K-Tigers” thì ngay lập tức hiện ra 22,4 triệu kết quả tìm kiếm. Còn những clip của K-Tigers phát trên YouTube thì thu hút hàng triệu like là chuyện bình thường! K-Tigers được thành lập năm 1990.

Đây là đội trình diễn võ nhạc taekwondo hàng đầu ở Hàn Quốc và là một trong những đội trình diễn nổi tiếng nhất của taekwondo trên thế giới nhờ tài năng và sự sáng tạo khi kết hợp những kỹ thuật điêu luyện của taekwondo với âm nhạc hiện đại. Mục tiêu của K-Tigers là thúc đẩy sự phát triển của taekwondo trên toàn thế giới.

Không chỉ có tài năng về võ thuật, các thành viên K-Tigers còn rất xinh đẹp nên có rất nhiều fan khắp nơi trên thế giới. K-Tigers đã tham gia nhiều cuộc thi quốc tế như Giải vô địch taekwondo thế giới, World Cup taekwondo; thường xuyên xuất hiện trên sóng truyền hình và thường đại diện Hàn Quốc tham dự những tuần lễ văn hóa tại nước ngoài.


Nguồn tin: http://cuoituan.tuoitre.vn/tin/van-hoa-nghe-thuat/the-thao/20170628/doi-thay-doi-vo-cung-doi-thay/1335729.html