Lược sử môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo

Là một nhánh của cây đại thụ võ cổ truyền ngàn năm Việt Nam, VOVINAM mới chỉ trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, nhưng bằng những bước đi mang tính đột phát từ phong trào đến đỉnh cao đã mở rộng được tầm ảnh hưởng của mình tại đấu trường thể thao trong nước cũng như quốc tế.

1. VOVINAM - GIAI ÐOẠN PHÔI THAI

Trước khuynh hướng đấu tranh sắt máu của các nhà chỉ sĩ cách mạng và thủ đoạn ru ngủ quần chúng bằng cái võ tự do phóng khoáng của bọn thực dân thống trị. Từ thiếu thời ông Nguyễn Lộc đã ấp ủ hoài bảo đứng ra gánh vác trách nhiệm của một người thanh Niên trong lúc đất nước lâm nguy. Do đó ông cố gắng trau dồi học vấn, đạo đức và võ thuật, đồng thời đưa ra một quan niêm mới hướng dẫn thanh niên đương thời vào cuộc CÁCH MẠNG TÂM THÂN. Tóm lại trong giai đoạn nầy, chủ thuyết CÁCH MẠNG TÂM THÂN ra đời.

2. VOVINAM - GIAI ÐOẠN THÀNH LẬP VÀ PHÁT TIRỂN

Gồm có 5 sự kiện chính :

  • 1938 : Môn phái được bí mật thành lập.
  • 1939 : Công khai ra mắt quần chúng tại nhà Hát Lớn Hà Nội. Cuộc biểu diễn thu hút đông đảo người xem và thành công rực rỡ.
  • 1940 : Lớp VOVINAM đầu tiên mở tại trường Sư Phạm.
  • Cuộc biểu diễn đặc biệt vào năm 1940 tại trường Sư Phạm đã biểu lộ tinh thần Uy Vũ Bất Năng Khuất của sáng tổ Nguyễn Lộc.
  • Phát động phong trào công khai chống thực dân Pháp bằng những cuộc đụng độ giữa các môn sinh sinh viên và môn sinh viên chức Việt với các sinh viên Pháp và viên chức Pháp tại Ðại Học và sở Canh Nông Hà Nội.

3. VOVINAM - GIAI ÐOẠN TRƯỞNG THÀNH

Vovinam đã được quảng bá rộng rải ở Hà Nội và lan dần sang các tỉnh Sơn Tây, Nam Định, Thanh Hóa... Vào thời kỳ này, tuy chương trình huấn luyện có phân thành 3 cấp: sơ đẳng, trung đẳng và cao đẳng nhưng không mấy ai học quá 3 năm vì thời cuộc, vì nhu cầu ứng phó cấp thiết, vì đôi lúc thực dân Pháp cấm cản, trừ đội ngũ cốt cán tập luyện bí mật. Các lớp võ công khai thường chỉ kéo dài 3 tháng gồm : bài tập thể dục(10 động tác), luyện tấn, mép tay, bắp tay rắn chắc; bay người, rạp xuống, trườn bằng khuỷu tay và đầu gối; các lối nhào lộn, tập té ngã; các thế phản đòn cơ bản, các thế khóa gỡ; 4 bài song luyện; các thế tự vệ chống kiếm, gậy (côn), mã tấu; 21 đòn chân không dạy riêng lẽ mà ghép trong các bài song luyện. Khi luyện tập, biểu diễn, các môn sinh mặc quần đùi, mình trần.

Tóm lại trong giai đoạn này, VOVINAM có 7 sự kiện chính :

  • Giữ an ninh cho đồng bào Nội, Ngoại thành Hà Nội.
  • Cứu trợ đồng bào trong nạn đói khủng khiếp đã chết hàng triệu người.
  • Cùng với Viên chức và sinh viên tổ chức các ngày Quốc Lễ : Giổ Tổ Hùng Vương, kỷ niệm Hai Bà Trưng.
  • Chủ xướng việc triệt hạ tượng đồng của bọn thực dân thống trị.
  • Thành lập đoàn Võ Sĩ Cảm Tử và anh Hùng Ngày Mai.
  • Mở các lớp Võ Ðại Chúng chuyên xử dụng Mã Tấu và Cận Chiến.
  • Tung võ sư đi khắp nơi để quảng bá môn võ mới của Dân Tộc Việt đồng thời gây Tinh Thần tranh đấu Cứu Quốc cho Thanh Niên.

4. VOVINAM - GIAI ÐOẠN PHÂN HOÁ

Có 6 sự việc đáng nhớ như sau :

  • Cùng toàn dân tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.
  • Một số môn đồ VOVINAM đã trở thành những chỉ huy nổi tiếng, một số đã hy sinh cho Tổ Quốc.
  • Số môn đồ tâm huyết quây quần bên Ông chia ra làm hai toán: Một về miền xuôi do Nguyễn Mỹ cầm đầu, một theo Ông lên mạn ngược.
  • Toán theo Ông dừng chân tại làng Hữu Bằng. Nơi quê hương, Ông đã mở lớp võ cho thanh niên huyện Thạch Thất và cử môn đệ phụ trách lớp võ thuật cho sinh viên sĩ quan trường Quân Chính Trần Quốc Tuấn.
  • Sau đó Ông lại lên đường phiêu bạt, mở rải rác các lớp Huấn luyện cho Ðại và Trung Ðội Trưởng Dân Quân Du Kích ở làng Chuế Lưu, Ấm Thương, Thanh Hương, Ðan Hà, Ðan Phú…
  • Năm 1954, Ông vào Sài Gòn, tổ chức cuộc biểu diễn Vovinam đầu tiên tại rạp Norodome (nay là Công ty xổ số kiến thiết, đường Lê Duẫn, Tp Hồ Chí Minh), mở lớp võ tại đường Thủ Khoa Huân (Avigateur Garros), Nguyễn Trãi (Frère Louis), Nguyễn Khắc Nhu, và cử môn đệ huấn luyện ở trường Hiến binh Thủ Đức (tỉnh Gia Định), Tp Đà Lạt... Trong lúc công việc mới bắt đầu còn đầy khó khăn, ông lại đột ngột qua đời vào ngày mồng bốn, tháng tư, năm Canh Tý (29/4/1960).  Võ Sư LÊ SÁNG, môn đệ trưởng tràng, được trao quyền Chưởng Môn.

Từ năm 1960, chế độ Sài Gòn đã hạn chế các võ phái hoạt động. Tuy nhiên,  một số lớp VOVINAM vẫn tập luyện tại các trường Hồ Vũ, Thăng Long, Saint Thomas... do võ sư Trần Huy Phong và vài võ sư khác hướng dẫn.

5. VOVINAM - GIAI ÐOẠN PHỤC HƯNG : 1964 - 1975

Vovinam bắt đầu hồi phục từ đầu năm 1964. Vào thời điểm này, chiếc áo thun ba lổ (may-ô) và quần đùi mà võ sinh đã mặc trong thời kỳ trước được thay thế bằng bộ võ phục màu xanh da trời như hiện nay. Sau khi võ đường đầu tiên (tính từ 1964) ra đời tại số 61 đường Vĩnh Viễn, quận 10  (Sài Gòn), võ sư chưởng môn Lê Sáng (sinh năm 1920), võ sư Trần Huy Phong (1938 - 1997), võ sư Nguyễn Văn Thư và một số thành viên khác đã họp để soạn thảo Quy lệ môn phái, vạch ra phương hướng củng cố và phát triển môn phái.

Sau ngày cách Mạng 1 tháng 11 năm 1963, chế độ nhà Ngô sụp đổ, Môn Phái VOVINAM đã bùng lên như một lò lửa sau bao ngày âm ỉ.

Năm 1966, VOVINAM được đưa vào trường học mà công đầu là của võ sư Phùng Mạnh Chữ tự Mạnh Hoàng (1938 - 1967). Cũng từ năm này, danh xưng VOVINAM bổ sung thành Vovinam-Việt võ đạo để thanh, thiếu niên chú trọng đến tinh thần dân tộc khi luyện võ hầu phấn đấu rèn luyện bản thân cả 3 phương diện: Tâm, Trí, Thể, nhằm phục vụ cho dân tộc và nhân loại.

Nhiều trường công lập và tư thục lớn tại Sài Gòn lúc bấy giờ như Pétrus-Ký (nay là Lê Hồng Phong), Gia Long (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), Chu Văn An, Cao Thắng, Hưng Đạo, Don Bosco, Phan Sào Nam, Đức Trí, Taberd, Quốc Việt… đều có lớp tập chính khóa hoặc ngoại khóa do các võ sư Lê Công Danh, Trần Văn Bé, Trần Văn Trung, Nguyễn Văn Thông… phụ trách góp phần tạo nên một phong trào rèn luyện sức khỏe sôi nổi và rộng lớn.

Nhiều sách, đặc san của môn phái do Ban nghiên cứu Vovinam - Việt võ đạo biên soạn đã được xuất bản trong giai đoạn này như: Việt võ đạo nhập môn, Việt võ đạo cương yếu, Tinh hoa Việt võ đạo...

Năm 1968, võ đường 61 Vĩnh Viễn dời đến số 31 Trần Hoàng Quân (nay là 31 Sư Vạn Hạnh, quận 10, Tp HCM) và là trung tâm điều hành tất cả hoạt động của môn phái. Sau mấy năm vượt qua thử thách và đạt nhiều thành quả tốt đẹp, Vovinam được một số ban ngành mời giảng dạy. Được học tập các lớp đặc huấn (đào tạo HLV) và qua rèn luyện trong thực tiễn, hàng loạt võ sư, HLV được tung đi các tỉnh, thành phố ở miền Nam để xây dựng và phát triển phong trào như: Trịnh Ngọc Minh (Nha Trang), Trần Tấn Vũ (Phú Yên), Ngô Kim Tuyền (Bình Dương), Nguyễn Văn Chiếu (Quy Nhơn), Nguyễn Văn Nhàn, Nguyễn Văn Sen (Cần Thơ),Trần Văn Mỹ (Hậu Nghĩa), Dương Minh Nhơn (Kiên Giang), Nguyễn Tôn Khoa (An Giang), Nguyễn Văn Vang (Vĩnh Long), Nguyễn Văn Ít (Mỹ Tho)...

Vào đầu thập niên 70, môn phái theo chân các du học sinh như : Trần Nguyên Đạo, Nguyễn Thị Huệ, Trần Đại Chiêu, Dương Quan Việt, Hà Chí Thành...để xuất hiện ở Pháp, Ý, Đức, Thụy Sĩ...

Năm 1974, Giáo Sư Phan Hoàng cùng một số võ sư hải ngoại đã tìm về nguồn xin gia nhập vào môn phái. Võ sư Chưởng Môn và Ðại Hội Ðồng Môn Phái đã chấp nhận điều thỉnh nguyện này và đặc cử Giáo Sư Phan Hoàng đảm trách Liên Ðoàn Việt Võ Ðạo Pháp Quốc (Fédération Française de Việt Võ Ðạo) cùng liên hệ một vài nước Âu Châu. Như vậy, người có công dựng cột mốc đầu tiên để phát triển Vovinam ra quốc tế chính là Giáo Sư Phan Hoàng.

Tháng 7 năm 1974 Võ Sư Chưởng Môn trao quyền Tổng Cục Trưởng cho Võ Sư Trần Huy Phong với nhiệm kỳ 2 năm và tuyển định võ sư Nguyễn Văn Thông Tân Tổng Ðoàn Trưởng thanh niên Việt Võ Ðạo cũng với nhiệm kỳ như trên.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 miền Nam giải phóng. VOVINAM chuyển sang một giai đoạn phát triển mới và rộng lớn hơn, đặc biệt là sự phát triển Quốc Tế.

6. GIAI ÐOẠN PHÁT TRIỂN QUỐC TẾ

...