Võ đường Kỳ Sơn bốn mươi năm nhìn lại (1973 - 2013)

Ngôi nhà trên mảnh đất có diện tích 240 m2 nằm sâu trong con hẽm nhỏ, mang số 51/2 Phan Châu Trinh, thành phố Hội An được ông Tiễn Văn Chánh và bà Phạm Thị Lý là người Minh Hương xây dựng để ở từ cuối thế kỷ 19.

Năm 1925, khi ông Trương Chưởng (1899-1988) là một võ sĩ có quê quán huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cùng với vợ là bà Tiễn Thị Thìn (1903-1972), là con rể và con gái của ông bà Tiễn Văn Chánh-Phạm Thị Lý, về ở ngôi nhà này, nơi đây trở thành điểm hội tụ, giao du, tập luyện của nhiều võ sĩ người Quảng Nam.

Tháng 7 năm 1973 ông Trương Chưởng chính thức thành lập võ đường Kỳ Sơn và gia nhập Liên đoàn quyền thuật quân khu I thuộc Tổng cuộc quyền thuật Việt Nam. Lúc bấy giờ võ đường mang số 67/10 Phan Chu Trinh, xã Hội An, quận Hiếu Nhơn, tỉnh Quảng Nam do ông Trương Chưởng (võ sư - bạch đai tam đẳng) làm Giám đốc. Trong thời gian này, bốn người học trò phụ trợ việc huấn luyện cho ông là Võ Viết Hồng, Nguyễn Dũng, Đinh Văn Phước và Trần Xuân Mẫn; Trong đó, Trần Xuân Mẫn được thầy Trương Chưởng giới thiệu Liên đoàn quyền thuật quân khu I phong cấp Hồng đai nhị đẳng - Huấn luyện viên võ đường Kỳ Sơn. Từ thời gian này đến năm 1975, tại võ đường Kỳ Sơn đã có hằng trăm thanh thiếu niên được tập luyện võ thuật, đạo đức và tính khí. Trong đó, có nhiều người học lâu dài như Trần Tuấn Hiệp, Thái Phương (Mẫn), Trần Tấn Phương, Khôi, Long, Phan Trúc, Dũng đô, sư Thủy, sư Hạnh, Thành An Hội...

Sau tháng 3 năm 1975, võ đường không còn tổ chức các hình thức mặc võ phục và thi đai đẳng, nhưng vẫn có rất nhiều thanh thiếu niên theo học. Trong những năm tháng đầy khó khăn, gian khổ sau ngày đất nước thống nhất, gần cả trăm học trò quây quần bên nhau tại võ đường, chia xẻ những niềm vui, nỗi buồn và những bữa cơm đạm bạc đầy ắp nghĩa tình cùng với thầy. Có những học trò ở hẳn tại võ đường để chăm sóc sức khỏe cho thầy như Thái Hạnh, Dũng...

Picture44.jpg 

Từ năm 1985 đến năm 1988, võ đường tạm ngưng hoạt động do võ sư Trương Chưởng đã cao tuổi, phải về ở Tam Kỳ để con cháu phụng dưỡng và ngôi nhà võ đường được bán cho một gia đình giáo viên.

Năm 1991, ông Trần Xuân Mẫn mua lại ngôi nhà, đưa gia đình đến ở để khôi phục hoạt động của Võ đường Kỳ Sơn. Từ ấy đến nay võ đường đã được sửa chữa, tu bổ ba lần nhưng vẫn bảo tồn nguyên dạng kiểu nhà xưa như lúc võ sư Trương Chưởng còn sống, trong đó có những lần làm cổng kiên cố với mái che bảng hiệu võ đường và xây tường cao bao bọc khuôn viên chung quanh.

Năm 1994, võ đường Kỳ Sơn được tôn tạo thành Tổ đường để làm nơi thờ phụng cố võ sư Trương Chưởng và sinh hoạt võ đường. Từ đây, ở sân trước có kỳ đài, nhà thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân, sân sau có phòng thư pháp treo các bài thiệu võ cổ truyền được lồng trong khung kính, bên trong nội thất được bổ sung các câu đối, hoành phi và các tủ trưng bày vật lưu niệm võ thuật và di vật của võ đường qua nhiều đời.

Từ khi được khôi phục vào năm 1991 đến nay, võ đường Kỳ Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, võ thuật như:
- Tham gia 18 giải võ cổ truyền và võ Pencak-silat toàn quốc, 28 giải võ cổ truyền và võ Pencak-silat tỉnh Quảng Nam, đạt 122 huy chương (55 HC toàn quốc và 67 HC toàn tỉnh), đa số là huy chương vàng;
- Tổ chức đoàn Lân sư rồng, đội Cờ người võ, đội Trống hội, Câu lạc bộ Võ dưỡng sinh cho người trung niên và cao tuổi, Lớp Võ thuật Mầm Non cho lứa tuổi mẫu giáo và học sinh tiểu học;
- Dạy Võ cổ truyền và Võ dưỡng sinh cho người nước ngoài;
- Biên soạn các tài liệu võ thuật do cố võ sư Trương Chưởng đã truyền dạy trước năm 1985 gồm 10 bài quyền cổ bản, 24 thế chiến đấu cổ truyền, trong đó có bài Lão Mai Quyền được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tuyển chọn làm bài Quy định thống nhất;
- Xây dựng các đề tài nghiên cứu võ cổ truyền, trong đó có "Căn Bản Công Quyền Thuật" được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tuyển chọn làm bài Quy định thống nhất, "Thi đấu Roi trường" được đưa vào chương trình biểu diễn võ thuật các Đêm Phố cổ ở Hội An, bài "Võ dưỡng sinh Đơn Phiến" được Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam đưa vào chương trình tập luyện của Hội Người cao tuổi toàn tỉnh.

Đến nay, võ đường đã có nhiều người được phong cấp võ sư, huấn luyện viên và làm chủ nhiệm của các câu lạc bộ võ thuật như Trần Xuân Mẫn, Võ Viết Hồng, Trương Văn Phận, Phan Trúc, Phan Phú Anh, Hoàng Lộc, Trần Lê Kỳ Sơn, Phan Phước Hoài, Trương văn Nguyên Vũ, Nguyễn Lê Thành Tây, Phạm Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Ngọc Minh Tâm. Nhiều người khác do điều kiện cuộc sống không theo nghiệp võ nhưng luôn hồi hướng về võ đường với nhiều việc làm thiết thực như: Thái Hạnh, Thái Phương, Trung, Cường...

Tại nơi đây, những người đã từng được cố võ sư Trương Chưởng truyền dạy võ thuật và giáo dục nhân cách, dù thuộc lớp trước hay sau năm 1975, dù sinh sống trong nước hay ở hải ngoại, vẫn thường về Tổ đường thắp hương tưởng nhớ Tổ Phụ và ôn lại những kỷ niệm đã một thời tập luyện, chung sống và lớn lên từng ngày ở nơi này.

Hằng năm, võ đường vẫn giữ lệ Giỗ Tổ sáng lập võ đường Kỳ Sơn Trương Chưởng vào ngày 29 tháng 8 và Giỗ Tổ nghiệp Võ vào ngày 22 tháng chạp âm lịch. Hiện nay, Tổ đường đã được xếp loại di tích trong khu phố cổ của di sản văn hóa thế giới Hội An ./.



Nguồn: http://vocotruyenvietnam.vn