Võ cổ truyền "Dinh trấn Thanh Chiêm" tiếp nối truyền thống thượng võ của quê hương

Trong khoảng 200 năm tồn tại dưới thời các chúa Nguyễn, dinh trấn Thanh Chiêm có một đội quân rất hùng mạnh, đã từng bước Nam tiến mở rộng bờ cõi nước ta bao gồm toàn bộ vùng đất và vùng biển Nam bộ như ngày nay. Thời ấy, vũ khí cơ giới còn rất thô sơ và rất ít, công cụ chiến đấu chủ yếu là binh khí võ cổ truyền.

Về bộ binh có mã tấu, trường đao, bảo kiếm được chúa Nguyễn mua của các nước Nhật và Bồ Đào Nha. Tượng binh có đàn voi chiến lên đến hàng trăm con. Quản tượng và quân lính ngồi trên bành voi dùng nỏ bắn tên bay thẳng về phía quân giặc làm giặc rất khiếp sợ. Kỵ binh thì có nhiều ngựa hăng hái với các chiến sĩ trên lưng ném lao rất dũng mãnh và chính xác.

Về thủy binh, Thanh Chiêm là căn cứ thủy quân hùng mạnh nhất xứ Đàng Trong (từ sông Gianh, Quảng Bình trở vào nam). Binh khí chủ yếu để chiến đấu của thuỷ binh là dáo và câu liêm. Câu liêm được dùng để móc chân, móc cổ quân địch kéo rớt xuống biển và móc vào thuyền của quân địch để nhảy sang cướp thuyền. Khi đã lên được thuyền giặc thì dùng dáo đâm xuyên thân giặc. Năm 1644, thủy quân của thế tử Nguyễn Phúc Tần đã anh dũng đánh tan đội hải quân Hà Lan, đội quân vô địch trên mặt biển đông thời ấy.

Trong tập tư liệu nghiên cứu "Dinh trấn Thanh Chiêm, kinh đô thứ hai của chúa Nguyễn" tác giả Châu Yến Loan đã viết rằng: "Dinh Chiêm sinh ra từ chúa Tiên Nguyễn Hoàng và tiêu vong cùng cái chết của chúa Nguyễn Phúc Thuần... Trong khoảng thời gian 200 năm sinh tử đó, Dinh Chiêm đã từng bước theo đoàn quân nam tiến, mở rộng biên cương, đóng vai trò chủ động trong công cuộc cống hiến cho quốc gia một vựa lúa khổng lồ có thể nuôi sống cả nước. Phải nói rằng, nếu không có chúa Nguyễn, nếu không có Dinh Chiêm, nếu không có dân Thanh Nghệ Tĩnh, dân Quảng Nam Dinh, thì Việt Nam không thể nối dài thêm nửa nước với tài nguyên phong phú và con người năng động như ngày nay.

Làm sống lại ký ức về một thành đô Dinh Chiêm không chỉ là tình cảm cá nhân của mỗi người con đối với quê hương mà còn là đạo lý của một công dân không thể lãng quên những giọt mồ hôi, những nỗi gian truân, thống khổ, máu xương của những người đã tận tụy hy sinh trên bước đường mở đất phương Nam của tiền nhân".

Picture28-1.jpg
Câu lạc bộ võ cổ truyền Dinh Trấn Thanh Chiêm phát triển đúng hướng

Có cùng tâm trạng với Châu Yến Loan, muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình để tưởng niệm và tự hào về quê hương "cựu dinh trấn" vẻ vang một thời, võ đường Kỳ Sơn đã thành lập một chi nhánh tại thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn; Đó là Câu lạc bộ võ cổ truyền "Dinh Trấn Thanh Chiêm" ra đời vào ngày 01 tháng 6 năm 2006. Huấn luyện viên (nay đã là võ sư) Nguyễn Lê Thành Tây được võ phái phân công làm chủ nhiệm câu lạc bộ.

Ngay từ ngày đầu, võ phái đã xác định Câu lạc bộ Dinh Trấn Thanh Chiêm không chỉ là nơi tổ chức dạy võ đơn thuần mà còn phải đầu tư thực hiện nhiệm vụ đặc thù là nghiên cứu, bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể võ cổ truyền của đất cựu dinh trấn.

Với tôn chỉ, mục đích đó, câu lạc bộ được xây dựng theo phong cách cổ truyền, từ hình thức tổ chức đến phương pháp giảng dạy.

Về hình thức tổ chức, địa điểm tập luyện được trang trí nhiều cờ hội có đuôi nheo với màu sắc ngũ hành tương sinh, treo ảnh võ sư chưởng môn, bảng ghi "3 điều tâm nguyện" của võ phái, thiết lập nơi đặt giá lỗ bộ treo binh khí dài, nơi đặt trống và dụng cụ lân sư rồng... Võ phục được thiết kế kiểu áo bâu, gài nút thắt và có 2 màu nâu, vàng cổ truyền. Binh khí hầu hết đều được làm bằng chất liệu gỗ và mây tre. Khi dạy đồng diễn, sử dụng trống chầu điều hành võ sinh thực hiện từng động tác.

Về phương pháp giảng dạy, để hội nhập với phong trào chung của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam nhưng vẫn giữ được tính đặc thù của Võ Ta truyền thống, câu lạc bộ xây dựng cách dạy vừa cập nhật theo phong trào mới vừa duy trì phương pháp cổ truyền. Đối với thảo bộ, vừa dạy các bài quy định thống nhất của Liên đoàn cho tất cả võ sinh, vừa giảng dạy các bài võ nội môn của võ phái cho các võ sinh nòng cốt đã qua thử thách về tính kiên trì, lòng quyết tâm, phẩm hạnh, đạo đức. Đối với thi đấu đối kháng, vừa dạy võ sinh kỹ thuật ôm quyền, di chuyển bộ pháp cao để thi đấu theo Luật thi đấu võ cổ truyền hiện hành, vừa dạy võ sinh múa bông quyền, chuyển tấn thấp khi di chuyển bộ pháp như thi đấu theo lề lối ngày xưa. Đặc biệt, dạy đòn thế đến đâu, buộc võ sinh học thuộc và hiểu rõ bài thiệu đến đó.

Ngoài ra, câu lạc bộ Dinh Trấn Thanh Chiêm luôn gắn bó với võ phái, thông qua các hoạt động văn hóa của võ đường Kỳ Sơn, để chắt lọc kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, bảo tồn và khai thác ứng dụng võ cổ truyền dân tộc vào các hình thức lễ hội. Hằng tháng, võ sinh câu lạc bộ được võ đường tạo điều kiện tham gia biểu diễn võ thuật và thi đấu roi trường (bộ môn thi đấu thất truyền được võ đường Kỳ Sơn khôi phục từ năm 2010) vào các Đêm Phố Cổ ở Hội An. Võ sinh của câu lạc bộ cũng được võ đường điều động tham gia biểu diễn Cờ người võ vào dịp Tết dân tộc hằng năm và tham gia tái hiện thi Tiến sĩ võ tại festival Huế. Học tập kinh nghiệm của võ đường Kỳ Sơn, câu lạc bộ đã tổ chức được đoàn lân sư rồng và trống hội, tham gia phục vụ hằng trăm xuất biểu diễn khai trương, khánh thành, khai mạc lễ hội cho nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và tư nhân trong 2 năm qua.

Đội lân của câu lạc bộ cũng đã tham gia và đạt giải 2 lần tại hội thi múa lân Tết Trung thu phố cổ Hội An.

Tại địa phương, câu lạc bộ Dinh Trấn Thanh Chiêm đã tham gia nhiều họat động phong trào như tập huấn chuyên môn, thi đấu giao hữu, hội diễn giao lưu, trong đó có giải võ cổ truyền giao hữu xã Điện Phong và giải vô địch võ cổ truyền tỉnh Quảng Nam.

Câu lạc bộ cũng tạo điều kiện cho võ sinh tham gia 5 kỳ thi đai đẳng do Chi hội Võ thuật huyện Điện Bàn và Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Nam tổ chức để chuẩn hóa đội ngũ huấn luyện viên, nâng cao trình độ chuyên môn cho hướng dẫn viên.

Nhằm giáo dục tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng và lòng nhân nghĩa cho võ sinh, câu lạc bộ Dinh trấn Thanh Chiêm đã huy động các em tham gia nhiều đợt hoạt động từ thiện như góp gạo cho người nghèo, múa lân miễn phí phục vụ trẻ em khuyết tật tại Tam Kỳ, Đà Nẵng, giúp đỡ hậu sự và mặc võ phục đưa tang các gia đình võ sinh và gia đình nghèo, neo đơn tại thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương.

Câu lạc bộ cũng từng bước đi đúng mục đích, tôn chỉ do võ đường Kỳ Sơn đề ra từ ngày đầu thành lập là "Câu lạc bộ phải đảm trách nhiệm vụ đặc thù là nghiên cứu, bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể võ cổ truyền của đất cựu dinh trấn"./.



Nguồn: http://vocotruyenvietnam.vn