Nhu Khí Trong Đời Sống

Sinh Hoạt Văn Hóa Và Sinh Hoạt Vật Chất

Sinh hoạt văn hóa và sinh hoạt vật chất cấu thành sinh hoạt xã hội. Là sản phẩm của con người, tất nhiên có ảnh hưởng đến con người. Thông thường mọi người cho rằng sinh hoạt văn hóa -vật chất được nâng cao, con người sẽ lành mạnh, đời sống sẽ tốt đẹp. Thực tế giữa các quốc gia văn minh, tiên tiến với những nước nghèo nàn lạc hậu, đời sống đều diễn ra trong căng thẳng lo âu như nhau. Bần cùng tuy sinh đạo tặc, nhưng phú gia tri thức vẫn đầy những tham vọng riêng tư, mưu mô hiểm độc. Đành rằng, sống đầy đủ tiện nghi, được ăn no mặc đẹp, tri thức con người có điều kiện thuận tiện để được nâng cao; nhưng không thiếu những nhân tài kiệt xuất, các bậc hiền minh cả Đông lẫn Tây đều đã trải qua nhiều tháng năm nghèo nàn cơ cực.

Quá chú trọng đến văn hóa - vật chất để rồi dồn mọi nỗ lực hỉ nhằm đạt đến những bằng cấp thật cao, kiếm thật nhiều tiền hầu thỏa mãn tham vọng ích kỷ cá nhân, thế là ta tự đóng khung, tự cô lập. Càng sống cô lập, đóng khung trong cái Ta, thì càng có va chạm trong quan hệ Ta - Người.

Do chuyển động nên sinh hoạt văn hóa - vật chất có biến động. Càng tự đóng khung để quá lệ thuộc vào nó, con người càng hoảng loạn lo âu khi có biến động. Sự quá lo âu khi thị trường xáo trộn, tâm lý đua đòi theo tiện nghi vật chất; sự quá sùng thượng vào các ngôi sao nghệ thuật, thần tượng bóng đá; cay cú hơn thua trong tranh giải thể thao; quá căng thẳng trong thi cử, khó chịu bực mình khi không vừa ý v.v... đều là những hiện tượng vong thân của một tâm thức mất thăng bằng. Sự mất thăng bằng nội tâm sẽ làm xáo trộn cuộc sống của chính ta. Cũng chính thái độ quá quý trọng, quá đề cao văn hóa - vật chất trong sinh hoạt xã hội là nguyên nhân góp phần tạo ra tệ nạn, bất công. Đấy là nguyên nhân sâu xa của mọi vấn nạn trên thế giới.

Giá Trị Của Văn Hóa - Vật Chất

Do con người sử dụng trong sinh hoạt xã hội, giá trị của văn hóa - vật chất được xác định. Và chỉ được coi là có giá trị khi nó tạo được ảnh hưởng tốt đẹp cho con người. Con người có làm chủ được mình thì văn hóa - vật chất mới mang lại an lành cho cuộc sống.

Ngoài việc lo thoả mãn nhu cầu văn hóa - vật chất, con người còn phải tạo cho mình tính tự chủ cao, để không bị tha hóa, vong thân bởi chính sản phẩm của mình; từ đó văn hóa - vật chất được sử dụng đúng vị trí của nó: phương tiện thể hiện tình người.

Mọi vị trí trong sinh hoạt xã hội đều có quan hệ mật thiết với nhau. Người sửa xe không làm công việc của một bác sĩ và ngược lại. Cả hai đều cần cho xã hội và cần lẫn nhau. Chỉ một kiến trúc sư, một kỹ sư không hoàn thành nổi một công trình. Mọi công việc nếu làm với tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng nơi đúng chỗ, đúng khả năng đều có giá trị.

Có công việc phức tạp, có công việc giản đơn, có công việc thuộc trí óc, có việc làm tay chân, nhưng đều hỗ trợ cho nhau, đều cần thiết để hình thành khung cảnh sống. Nếu thiếu cái nhìn trên phạm vi tổng thể, để cho rằng công việc này, vị trí này có giá trị hơn công việc kia, vị trí nọ, cùng với cái nhìn tự tôn tự ti sẽ tạo nên sự phân hóa. Từ đó, con người sẽ sống, hành xử theo những tham vọng mù quáng. Sự quá cách biệt, phân chia bao giờ cũng gây xáo trộn trong sinh hoạt xã hội. Tất nhiên mọi vị trí đều có sự khác biệt với giá trị và tầm quan trọng riêng. Có người tốt kẻ xấu, có người tinh tế kẻ thô vụng và nên có cái nhìn bình đẳng để tránh quá khích trong quan hệ đối xử.

Cách Mạng Tâm Thân

Cảnh sống giàu sang, địa vị cao trọng chưa hẳn đã tạo an vui cho con người nếu nội tâm luôn căng thẳng lo âu vì sự thành bại của công việc vì phải mưu tính thủ đoạn để đối phó lẫn nhau, vì không hóa giải nổi những mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ đối xử. Cảnh nghèo khó lại càng bi thảm hơn: vừa khổ vì thiếu, vì tự ti lại vừa căng thẳng bấn loại vì lo âu. Do thiếu khả năng thư giãn thần kinh, điều hòa nhịp tim nên kẻ nghèo người giàu, người học cao hiểu rộng, kẻ kém trí thức, ai cũng căng thẳng lo âu. Từ đó, con người đã gây thêm xáo trộn phức tạp cho sinh hoạt xã hội vốn đã thường biến động.

Thực tế cho thấy rằng dùng võ thuật để đưa người vào Đạo là việc khó thực hiện nếu không có phương pháp thích hợp. Võ và Đạo ngược nhau ở tính chất: Võ dẫu cương hay nhu vẫn ở phạm vi đối đãi với mục đích hơn thắng, chế phục người. Đạo dù động hay tĩnh luôn thuộc phạm trù bao trùm mọi khuynh hướng đối đãi, mâu thuẫn. Tính Đạo được thể hiện ở một nội tâm vượt thoát, biểu lộ trong nhu hòa từ tốn ở người đã thắng phục được cái cảm xúc của chính mình. Võ càng luyện, khí lực càng mạnh khiến con người khó tự làm chủ trước những xung khắc mâu thuẫn trong quan hệ Ta - Người. Đạo càng sâu, sự tự chủ, tự chế càng cao, tạo được hòa khí: Ta - Người là một. Để từ Võ có thể bước vào Đạo, song song với sự tăng trưởng khí lực, ta phải dày công rèn luyện khả năng tự kiềm chế, hóa giải sự sung mãn của khí lực. Dùng nhu hóa giải sự căng thẳng của thần kinh; xả, nạp khí nhẹ nhàng đúng nhịp sẽ điều hòa được nhịp tim. Từ đó mới hóa giải được những cảm xúc thất tình. Hành động theo cảm xúc bao giờ cũng quá khích và làm mọi việc trở nên phức tạp. Hóa giải cảm xúc là tạo cho ta tính tự chủ. Với sự tự chủ, mọi việc trở nên rõ ràng, đơn giản. Nhờ đó ta sẽ sáng suốt hơn để xét mình, nhìn người; ta sẽ có cái nhìn bình đẳng về mọi giá trị trong sinh hoạt xã hội để chọn hướng đi, định vị thế cho phù hợp khả năng, biết sống an vui, hiến ích.

Nhu Khí Trong Đời Sống

Tiếp nhân đối cảnh, nếu nẩy sinh cảm xúc, cảm xúc này sẽ ăn sâu vào nội tâm tạo hồi tưởng, để đưa đến ước mơ vọng tưởng. Thấy người đẹp, cảnh đẹp, có cảm xúc, nhớ lại, ao ước được gặp lại, làm quen. Cảm xúc khi hồi tưởng, ước mơ càng mạnh, não loạn càng nhiều, nhất là khi không được như ý. Khi được như ý lại chóng chán, đôi khi sinh ra thất vọng vì trong cảm xúc con người dễ tô hồng và cũng dễ bôi đen. Tâm khi không bị cảm xúc làm chao động nữa mới có thể nhập Đạo tính, mới thấy được chân tướng của mọi sự vật. Do vậy, Đạo không thể tìm cầu bên ngoài. Học hiểu qua sách vở, qua các bậc Đạo sư không giúp ta thâm nhập Đạo thể nếu sóng lòng chưa thắng. Khi lắng được sóng lòng, Đạo tâm tự hiển bày: ăn cơm, mặc áo, quét nhà, luyện võ, mọi hành xử ở đời đều mang tính Đạo.

Muốn thâm nhập Đạo phải dày công, phải kiên nhẫn, phải có những bước khởi đầu. Sau những giờ lo toan cho trách nhiệm gia đình xã hội, ngoài giờ tập võ luyện thân, nên dành một khoảng thời gian nhất định nào đó với phương pháp nhu khí công để lắng sóng lòng, để loại bỏ tạp niệm cho tâm được trong sáng hầu tìm về cội rễ tâm linh. Ngoài ra, trong quan hệ đối xử nên tập cái nhìn bình đẳng trước mọi mâu thuẫn tốt xấu, Ta - Người đều có thể ung dung tự tại, nhu hòa từ tốn với ngoại cảnh, với tha nhân.

VS. Nguyễn Đình Nam