Lý thuyết Võ đạo - Trung Đẳng - Thi lên Hoàng Đai Nhị Cấp

Trình độ Hoàng đai nhất Cấp thi Thăng cấp lên Hoàng đai Nhị Cấp

Hỏi và đáp khảo hạch lý thuyết võ đạo


1. Giá trị hơn-thua-thành-bại trong cuộc sống có tuyệt đối không? Hãy giải thích và chứng minh?

Không. Sự hơn-thua-thành-bại trong cuộc sống chỉ có giá trị tương đối trong một khoảng không gian và thời gian hữu hạn nào đó mà thôi. Như chuyện hai võ sĩ giao đấu, sự hơn-thua-thành-bại được diễn ra trước sự nhận xét của khan giả, thế mà vẫn chưa phải là tuyệt đối. Vì có võ sĩ vô địch nào không nếm hơn một lần thất bại trong cuôc đời võ sĩ của anh ta? Và có võ sĩ tầm thường nào chưa một lần thắng trong giao đấu ?

2. Đức Dũng của môn sinh Vovinam được thể hiện bằng mấy đức tính? Hãy kể ra?

Bằng 4 đức tính : tự chủ - tự thắng – cương trực – tận tụy với nghĩa vụ.

3. Muốn có đức tự chủ phải rèn luyện ra sao?

Muốn có đức tự chủ, ta phải luôn luôn bình tỉnh trước mọi biến động của ngoại cảnh, luôn luôn khai triển nội tâm, luyện ngũ quan cho thật bén nhạy và làm chủ được sự bén nhạy đó. Sau hết, luyện thần khí cho được ung dung thanh thản, không cầu cạnh ước ao gì cả.

4. Làm sao để có đức tự thắng?

Kiên nhẫn nghe những điều chưa biết đến những điều đã biết, nghe cả những điều phải lẫn những điều trái để hiểu rõ nguyện vọng của người, để tập thói quen tôn trọng và nghĩ tới người.

Kiên nhẫn học hỏi
ở người trong mọi trường hợp, liên tục trong đời sống. Kiên nhẫn trong việc xử thế, là gặp trường hợp bị đối xử bất công, thô vụng, nhầm lẫn, chúng ta vẫn kềm chế được tính nóng nãy hiếu thắng, vẫn ung dung hòa nhã với tinh thần thông cảm hòa giải, không tức khí nổi quạu, “ăn miếng trả miếng”, tùy hứng.

Kiên nhẫn hành động
sẽ giúp chúng ta vượt mọi khó khăn trở ngại, thắng phục được những thất bại trên đường đời, nhất là khi mới vào đời, để đạt được thành công cuối cùng.

5. Chúng ta phải hiểu về đức cương trực ra sao?

Cương là cương quyết trong tinh thần, hòa nhã ngoài thái độ ; trực là ngay thẳng một cách tế nhị, chứ không phải là tính cứng cỏi, thô lỗ của kẻ thất phu và sự ngay thẳng của một người điên khùng. Không có sự cương quyết nào vững chắc bằng sự cương quyết trong tinh thần. Khi tinh thần đã nhất quyết rồi thì thái độ phải tỏ ra ôn hòa, nhu nhã. Chính thái độ nhu nhã đó đã nói lên sự quyết tâm đến cùng tột. Người cương quyết phải là người có ý thức vững chắc rằng mình nên nghĩ gì, phải làm gì, và khi đã quyết đoán, là quyết tâm theo đuổi chí hướng của mình đến cùng. Ngay thẳng là một đức tính được mọi người cảm mến, nhưng không cùng nghĩa với chất phát : “thẳng ruột ngựa”, “có sao nói vậy”. Ngay thẳng cứng nhắc sẽ làm mọi người phiền lòng phật ý, và khiến mình luôn luôn bị thua thiệt, thất bại. Phải thẳng một cách linh động khéo léo, không bao giờ được dối trá nhưng cũng không nên thật thà lố bịch, nói hết những điều không đáng nói, gây xáo trộn, thất vọng cho người. Đó là ngay thẳng một cách tế nhị.

6. Thế nào là tận tụy với nghĩa vụ? Tận tụy đến mức độ nào?

Tận tụy với nghĩa vụ là phải hết lòng gắng sức, tận dụng mọi khả năng của mình thực hiện nghĩa vụ bằng được, dầu có hy sinh tánh mạng, song phải hy sinh đúng chỗ đúng lúc, trong phạm vị trách nhiệm của mình. Nếu ngoài phạm vị trách nhiệm của mình mà cứ nhắm mắt hy sinh thì chỉ là người bất trí, thiếu sáng suốt, không thông tình đạt lý, không quán triệt công nghĩa với tư ân, tư lợi.

Ví dụ: Khi được người hiểu rõ khả năng của ta, tín cẩn trọng dụng ta, thì ta phải hết lòng tận tụy với công việc mà người đó giao phó. Còn nếu đấy chỉ là âm mưu mua chuộc, trí trá bất minh để giành tư lợi thì ta không thể tận tụy hy sinh mù quáng được. (có thể kể chuyện: Dự Nhượng là gia thần của nhà Phạm Thị, khi nhà Phạm Thị bị nhà Trí Thị chu diệt, Dự Nhượng theo phò chủ mới. Nhưng khi Trí Bá (chủ sau) bị Triệu Vô Tuất giết thì Dự Nhượng quyết hy sinh mạng sống báo thù cho chủ).

 

Kiến thức Vovinam Việt Võ Đạo


1. Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo ra đời từ năm nào? Do ai sáng lập?

Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo ra đời năm 1938 tại Hà Nội, do võ sư Nguyễn Lộc sáng lập.

2. Hãy cho biết ngày-nơi sinh, ngày-nơi mất của Cố Võ sư Sáng Tổ Môn phái?

Võ sư Nguyễn Lộc sinh ngày 24/5/1912 tại làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây, Bắc Việt.
Võ sư Nguyễn Lộc mất ngày 29/4/1960 (mồng bốn, tháng tư, năm Canh Tý) tại Sài Gòn. Di cốt hiện lưu giữ tại Tổ đường môn phái, số 31 Sư Vạn Hạnh, Phường 3, Quận 10, TPHCM, Việt Nam.

3. Trước khi mất, võ sư Nguyễn Lộc giao quyền lãnh đạo và phát triển môn phái lại cho ai? Sơ lượt về người kế nhiệm võ sư Nguyễn Lộc?

Trước khi lâm chung, Cố Võ sư Sáng Tổ giao quyền lãnh đạo và phát triển môn phái lại cho Võ sư Lê Sáng.

Võ sư Lê Sáng là Chưởng môn môn phái Vovinam Việt Võ Đạo (1960 -2010). Ông sinh năm 1920 tại Hà Nội, mất ngày 27/9/2010 (hai mươi, tháng tám, năm Canh Dần) tại Quận 10, TpHCM, Việt Nam. Di cốt hiện lưu giữ tại Tổ đường môn phái, số 31 Sư Vạn Hạnh, Phường 3, Quận 10, TPHCM, Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Võ sư Chưởng môn Lê Sáng, trong suốt 50 năm với không ít thăng trầm, từ một môn võ phục hồi hoạt động tại Sài Gòn sau 1964, VVN-VVĐ đã phát triển vượt bậc và mở rộng đến nhiều nơi trên thế giới, trở thành một môn phái được đông đảo bạn bè khắp năm châu hâm mộ, xây dựng trên một hệ thống triết lý võ đạo (triết lý sống) mang tính nhân văn và thượng võ.

4. Hiện nay môn phái Vovinam Việt Võ Đạo do ai lãnh đạo?

Trước khi mất, võ sư Lê Sáng giao quyền lãnh đạo và phát triển môn phái lại cho một tập thể môn đồ được người lựa chọn, gọi là Hội Đồng Võ Sư Chưởng Quản Môn phái (bao gồm 9 vị), mà người đứng đầu gọi là Chánh Chưởng Quản. Hiện nay, Võ sư Nguyễn Văn Chiếu đảm nhận vai trò Chánh Chưởng Quản (theo quyết định ngày 31/3/2010 của Võ sư Chưởng môn), là người lãnh đạo môn phái Vovinam Việt Võ Đạo hiện nay.